Lịch sử Vương_quốc_Armenia_(cổ_đại)

Nguồn gốc

Những người cai trị thời kì đầu của vương quốc là phó vương của Armenia ("Armina" trong Tiếng Ba Tư cũ, "Harminuya" trong ngôn ngữ Elamite, và "Urartu" trong tiếng Babylon, một phần của Văn bia Behistun của Darius Đại đế) là một chư hầu của đế quốc Achaemenes, sau đó là một vương quốc độc lập dưới nhà Orontes (với sự ảnh hưởng của Macedonia). Trong năm 331 TCN, sau Trận Gaugamela, phó vương của Armenia, Orontes III và người cai trị của tiểu Armenia Mithridates đã tự công khai nền độc lập của họ. Orontes III cũng đánh bại tướng Menon của Alexandros Đại đế, người muốn chiếm các mỏ vàng của Sper. Sau đó do sự suy yếu của vương quốc bởi sự tấn công của đế quốc Seleukos, trong năm 201 TCN vị vua Orontes cuối cùng Orontes IV bị lật đổ và vương quốc đã rơi vào tay của Artashes, vị tướng người Armenia của Đế chế Seleukos, cũng là một hậu duệ của triều đại Orontes.

Nhà Artaxias

Sau sự suy sụp của vương quốc Seleukos bởi thất bại trước người La Mã trong trận Magnesia, một quốc gia Hy Lạp hóa đã được thành lập bởi Artaxias I vào năm 190 TCN. Artaxias đã chiếm Yervandashat, thống nhất cao Nguyên Armenia và thành lập thủ đô hoàng gia mới Artaxata gần sông Araxes [2] Theo StraboPlutarch, Hannibal Barca đã được chào đón nồng nhiệt tại triều đình Armenia của Artaxias I. Các tác giả thêm một giai thoại về việc Hannibal đã lên kế hoạch và giám sát xây dựng Artaxata [3] thành phố mới đã chiếm giữ một vị trí chiến lược vào thời điểm các tuyến đường thương mại kết nối thế giới Hy Lạp cổ đại với Bactria, Ấn Độ và Biển Đen đã cho phép Armenia phát triển thịnh vượng [2] Vào thời đỉnh cao của nó, từ 95 đến 66 TCN, Armenia mở rộng sự cai trị tới Caucasus và những vùng đất ngày nay là đông Thổ Nhĩ Kỳ, Syria và Liban. Vào thời điểm ấy, Armenia là một trong những thế lực mạnh nhất ở phía đông La Mã.

La Mã cai trị

Bài chi tiết: Armenia thời La Mã
Đồng xu La Mã ban hành năm 141 SCN, cho thấy hoàng đế Antoninus Pius đội vương miện Armenia

Nó chịu ảnh hưởng của La Mã sau trận Tigranocerta năm 66 TCN và sau sự thất bại hoàn toàn của đồng minh Mithridates VI của Pontus. Marcus Antonius xâm lược và đánh bại vương quốc này vào năm 34 TCN, nhưng người La Mã lại đánh mất quyền kiểm soát trong cuộc chiến tranh cuối cùng của Cộng hòa La Mã vào khoảng năm 32-30 TCN. Năm 20 TCN, Augustus dàn xếp một hiệp ước với người Parthia, biến Armenia thành một vùng đệm giữa hai thế lực.

Trong nhiều năm sau đó, Armenia luôn là nơi tranh chấp giữa người La Mã và Parthia, cũng như các thế lực được sự hậu thuẫn của hai bên trong việc tranh đoạt ngôi vua. Người Parthia từng buộc người Armenia phải quy phục năm 37, nhưng đến năm 47, người La Mã lại nắm được quyền kiểm soát nó.

Triều đại Arsaces

Dưới thời Nero, người La Mã đã tiến hành một chiến dịch chống lại người Parthia (55 - 63), vốn đã xâm chiếm vương quốc của Armenia, đồng minh của người La Mã. Sau khi chiếm lại được Armenia vào năm 60 và sau đó mất nó năm 62, người La mã đã gửi quân đoàn lê dương XV Apollinaris từ Pannonia tới chỗ Gnaeus Domitius Corbulo, legatus của Syria. Năm 63, với sự tăng cường thêm quân đoàn III Gallica, V Macedonica, X FretensisXXII, tướng Corbulo đã tiến vào lãnh thổ của vua Vologases I của Parthia, người sau đó trở lại vương quốc Armenia với Tiridates.

Một chiến dịch khác đã được lãnh đạo bởi Hoàng đế Lucius Verus từ năm 162 đến 165, sau khi vua Vologases IV của Parthia đã xâm chiếm Armenia và đưa tướng lĩnh của ông lên ngai vàng. Để chống lại mối đe dọa của Parthia ở phía đông, Verus đã tiến về phía đông. Quân đội của ông đã giành chiến thắng quan trọng và chiếm lại thủ đô. Sohaemus, một công dân La Mã có nguồn gốc Armenia được đưa lên làm một vị vua chư hầu mới. Nhưng khi quân La mã gặp phải bệnh dịch hạch, người Parthia tái chiếm lại phần lớn lãnh thổ của họ bị mất trong năm 166. Sohaemus phải rút về Syria và nhà Arsaces khôi phục lại quyền lực tại Armenia.

Sau sự sụp đổ của nhà Arsaces tại Ba Tư, triều đại kế tục là nhà Sassanid khao khát khôi phục lại quyền kiểm soát trước kia của Ba Tư. Nhà Sassanid của Ba Tư chiếm Armenia trong năm 252. Tuy nhiên, trong năm 287, Tiridates III Đại đế được lập làm vua của Armenia bởi quân đội La Mã. Sau khi Grigor Người khai sáng truyền bá Kitô giáo ở Armenia, Tiridates chấp nhận Kitô giáo và nhận làm tôn giáo chính thức của vương quốc.

Năm 387, Vương quốc Armenia đã được phân chia giữa đế quốc Đông La Mã và người Ba Tư. Tây Armenia nhanh chóng trở thành một tỉnh của đế quốc La Mã dưới tên Armenia nhỏ; Đông Armenia vẫn còn tồn tại như một vương quốc phụ thuộc Ba Tư cho đến năm 428, khi các quý tộc địa phương đã lật đổ nhà vua, và người Sassanids bổ nhiệm một thống đốc ở vị trí của ông ta. Năm 885, sau nhiều năm nằm dưới sự cai trị của La Mã, Ba Tư, và Ả Rập, Armenia giành lại được độc lập dưới triều đại Bagratid.